HOÀ TÂN ĐÔNG: CHIỀU TRÊN ĐỒNG LÚA

HOÀ TÂN ĐÔNG: CHIỀU TRÊN ĐỒNG LÚA

- Đỗ Văn Duyên-

Em vẫn thường bảo tôi : “Người chi mà khô cằn như cây điều, cây cao su vậy”. Lúc đó, tôi thực lòng khó hiểu nhưng vẫn gắng cười cho vui. Theo tiếng gọi mùa xuân và lời mời mọc của tình em, tôi đã tìm về:

“Sao anh không về Hoà Tân Đông
Nhìn nắng đồng em nắng mới lên
Ruộng ai mướt quá xanh như ngọc
Tóc lúa che vương trái tim hiền”.
(Phỏng theo “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử)

Vừa đặt đôi chân trên đường bê tông cắt nửa cánh đồng, để tìm ngõ rẽ nhà em, tôi chợt té ngửa ra rằng: Hơn hai mươi năm ấy, tôi đã sống thiếu đi cảm giác của đồng xanh; thiếu cái cảm giác được thò bàn chân xuống bùn để nghe những luồng cơn mát lạnh; những cuộc rượt đuổi của trẻ thơ trên những đống rơm, đống rạ; những buổi chiều tà kết rơm hình con cúi, phù mồm thổi lửa sươỉ ấm những ngọn gió đông và chất cao ngọn lửa giữa đồng nướng củ khoai, củ sắn… “Em ơi! Anh đã được sống lại những ngày tháng ấy sau hơn hai mươi năm rời quê hương lên miền cao lập nghiệp”:

“Hai mươi mấy năm với cao nguyên
Gió lộng, đồi cao, rừng nước thẳm
Nào anh được biết Phú Yên xuân
Đẹp lắm quê em lúa xanh đồng”.

Buổi chiều Hoà Tân, vui sống giữa đồng xanh, tưởng nhớ ngày thơ qua những câu chuyện mà em kể. Lời ngọt ngào, đằm thắm bao chất chứa hiền hoà, nghe mà duyên mà tình như ru anh ngây ngất giữa hương đồng. Em vỗ nhẹ vai tôi: “ Anh, sao cứ thẩn thơ thế?”. Tôi giật mình cười đáp lại nhưng nào em có hiểu trong tôi với bao điều ước muốn:

“Muốn nằm trên lúa nghe hương thở
Muốn tắm mương quê tươi mát hồn
Muốn ngả thân trâu đôi bờ dạo
Và nắm tay em vi vút diều”.

Thầm cám ơn em, những câu chuyện về đồng áng, cho tôi hiểu ra nhiều nỗi vất vả của người dân quê. Một hát lúa vàng ong là bao công cày cấy, tuy rằng bây giờ đã được nông nghiệp hoá với máy cày, máy gặt nhưng máy móc đâu thay thế được hết sức lao động của con người, thiếu đi giọt mồ hôi lấy đâu ra hạt gạo trắng trong. Có lẽ với tôi, hạt thóc là hình hài khắc khổ bên ngoài của người nông dân nhưng bên trong bản tính của họ là hạt gạo hiền hoà, chất phác. Nỗi chịu thương, chịu khó là nguồn cơn của sự sống, chắp cánh cho hạt gạo đi muôn phương, trong đó có cả miền Tây Nguyên chúng tôi. Xa cách công việc đồng áng lâu năm nhưng trong tôi chợt bỗng:

“Ước gì anh mãi nơi đây
Chung tay gặt hái, chung tay cấy cày”.
Chỉ có về quê em mới thấm hết được:
“Gì vui những tháng đồng mùa
Mồ hôi đổ hạt áo quần lấm hoen
Lúa ngàn thơm những bông chen
Cùng em thăm lúa thăm đồng be mương”.

Chiều Hoà Tân cũng dần khép lại, chiều mai tôi phải lên đường. Chia tay em, chia tay những cánh đồng lúa thắm và chia tay cả những người dân quê. Năm Tý đã trôi qua, Kỷ Sửu lại khởi đầu. Tôi tin rằng những cánh đồng xanh sẽ là những cánh đồng vui trở mùa xuân đi trăm miền:

“Còn em, còn những đồng xanh
Là nơi thương nhớ trong anh sẽ về”.