Diện mạo chung về thơ haiku Mỹ hiện đại

DIỆN MẠO CHUNG VỀ HAIKU MỸ HIỆN ĐẠI


---Đỗ Văn Duyên--

“Cộng đồng thơ haiku Mỹ” – Hiệp hội thơ haiku Hoa Kỳ – đã nói lên sự phồn thịnh của thể thơ gốc Nhật trên nước Mỹ. “Thơ haiku Mỹ trong những năm cuối thế kỉ XX và trong thế kỉ này đã gieo mầm nảy nở hàng loạt các nhà thơ mới thành đạt; làm rạng danh cho nước Mỹ trên một diện rộng, hội tụ đủ thành phần, lứa tuổi tham gia hoạt động sáng tác tự do hay nhận được sự khuyến khích kịp thời từ phía những câu lạc bộ haiku nổi tiếng”(Cor van den Heuvel). Và từ đó vươn trụ sang các xứ sở khác như San Francisco, Seattle, Chicago…Thơ haiku Mỹ hiện đại với một khối lượng khổng lồ các tác giả nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, không chỉ trong nước mà quốc tế. Tại bờ biển phía Tây với sự góp mặt của Ruth Yarrow, Vincent Tripi, Christopher Herold, Garry Gay, Michael Dylan Welch, Ebba Story… Qua miền Đông – Đông Nam với các tên tuổi lớn: Wally Swist, John Stevenson, Tom Clausen, Dee Evetts, Jim Kacian, Peggy Lyles… Tới khu vực Trung Tây gặp gỡ John Martone, Lee Gurga…Họ được nuôi dưỡng, trưởng thành, gắn liền sự nghiệp của mình với Cộng đồng thơ haiku Mỹ, Cộng đồng thơ haiku Bắc California, Bắc Georgia, Yuki Teikei, Boston…Với hai tổ chức thơ haiku lớn: HSA và HPNC. Cùng với các hiệp hội/nhóm thơ haiku khác như: Hiệp hội tanka, Hiệp hội thơ haiku thế giới, Nhóm thơ Leanfrog, Con đường mùa xuân, Pinecore…Những tài năng nhiệt huyết ấy là cộng tác viên, hạt nhân cho sự phát triển của các tờ nhật báo, tạp chí thơ haiku nổi tiếng ở Mỹ: Ao ếch( tờ nhật báo của HSA), Woodnotes( nhật báo của HPNC), Nhật báo Georgia, Nhật báo Modern haiku; Tạp chí mới Mariposa, Tundra; nguyện san Tổ ấm con cò. Cùng sự trợ giúp thường xuyên của các nhà xuất bản chuyên về thơ haiku: Press Here, Red Moon, Brooks Books, High/Coo…Tất cả vào cuộc làm nên diện mạo thơ haiku Mỹ thời hiện đại.

1. Một Ruth Yarrow, sáng tác thơ haiku nhằm thể hiện sự quan tâm về những vấn đề công bằng xã hội, một thế giới hòa bình, hạnh phúc trẻ thơ, tình yêu sâu nặng với thế giới thiên nhiên. Bà sinh vào ngày 15.9.1939 tại Camden , hiện sống ở Seattle thuộc Washington . Tốt nghiệp Đại học Antioch với tầm bằng cử nhân sinh vật học. Trong những năm làm việc với tư cách là chuyên gia động thực vật học, bà có điều kiện tiếp xúc với môi sinh bên ngoài và cố công tìm hiểu thơ haiku trong những năm đầu thập kỉ 70. Tại hội nghi thơ haiku “Tìm hiểu thái độ của con người về thế giới thiên nhiên?” do Henderson tổ chức, Yarrow có ấn tượng mạnh về thể thơ này. Kết quả 4 tập thơ haiku đã ra đời: Cuống lá bị lãng quên (NXB Hight/Coo,1981), Dưới khe cẩm thạch(NXB Wind Chimes, 1984), Hồi ký ngẫm suy(NXB Crossing, 1988) và Mặt trời dát vàng biên giới(NXB Saki, 1999). Biểu tượng thiêng liêng của sự dung hòa tình mẫu tử thấm quyện cả vào thế giới thiên nhiên, là một trong những bài thơ ấn tượng: Mưa ấm rạng đông – Dòng sữa mẹ trong con – Vô hình. Qua những hạt bụi làm lắng lòng nhà thơ về thế giới nhân gian, hạt bụi của giải ngân hà xoay chuyển trong những hạt nước tiểu; những dự cảm về thế giới, về cuộc đời đứa bé: Nước tiểu đứa bé – Kéo rê bụi lề đường – Từng hạt nhấp nhô. Trong mỗi chúng ta đều có một sân ga – là nơi trở về cũng có thể là nơi ra đi – những hạt mưa rơi rớt đan cài trong dáng hình lẻ bóng của nhà thơ giữa sân ga hay trước hiên đời thì đều nặng lòng, nhức nhối: Ga xe lửa – Chiếc lá ướt – Bối rối. Hạt nhân đe dọa tới cuộc sống, hậu quả tàn phá của nó in hằn trong cả cơn giông: Ùn ùn – Bên kia đỉnh tháp lạnh – Cơn giông.

2. Với ý tưởng sáng tác thơ haiku để góp nhặt kinh nghiệm, phục vụ cho công tác bảo vệ, chăm sóc cộng đồng. Là những gì mà hồn thơ haiku Vincent Tripi đem lại cho chúng ta qua 14 tập thơ của ông: những dòng hồi ký cô đơn đan quyện với tư tưởng triết học “siêu việt luận”, khúc xạ về những khám phá về thế giới tâm linh màu nhiệm, qua lăng kính của đạo Phật. Hồ haiku (1987), tập thơ đầu tay của Tripi, chất chứa những suy tư thần bí, để lại cho đời bản phác thảo thiên nhiên sắc cạnh. Năm 1984, Tripi bắt đầu sống một cuộc đời cô độc: “ Tôi dời đến một túp lều nhỏ ở miền nam New Hampshine. Đó là một nơi không điện, thiếu nước, sống gần một năm trong ngôi lều tạm bợ đó. Đốn củi. Đọc nhiều sách. Tìm đến với thiên nhiên. Thoreau. Đạo Thiền. Thơ haiku”. “ Tình trạng cô đơn – điều màu nhiệm – một mình ta” là ba khái niệm thường trực trong thơ ông. Bạn cần phải có lòng kiên nhẫn để đúc rút kinh nghiệm tức thời, đó là cách tự gieo cho mình sự phúc đáp xứng đáng, cái tôi phải biến mất kịp thời: Nghe nó – Đừng nghe gì tôi – Thác nước. “Điều màu nhiệm” có trong muôn màu cuộc sống, trong từng khối đá, trong những vì sao, trong hầu hết vạn vật, nó tỏa khắp mọi thứ: Mưa tuyết – Bao hạt rơi loanh quanh – Dấu chân ngựa. Những gì mà Tripi quan tâm, lo lắng về cuộc sống thế sự, khắc họa trong thơ ông những ý niệm đạo Phật của cõi lòng trắc ẩn và cộng đồng chúng sinh, tựa như tấm gương soi lột tả hết tấm lòng nhà thơ: Phóng thích – Buộc chặt vào người – Cánh diều lớn. Điều đáng nói ở nhà thơ 68 tuổi này, luôn đề tựa trên các tác phẩm của mình hai chữ viết thường vincent tripi.

3. Thơ haiku Herold mang thiên hướng khách quan, hàm chứa sự duyên dáng qua những bức thông điệp thiêng liêng, đậm tính phương Đông kiểu Tripi. Christopher Herold sinh ngày 23.4.1948, tại Suffern – New York . Vốn là thành viên của nhóm nhạc rock Kingfish. Tập thơ đầu tay Lời nói khác (1981), Trùng khớp(NXB Kanshiketsu, 1987), Tiếng sỏi(NXB Kanshiketsu, 1996). Hai tập xuất bản trong năm 2000: Bên bờ biển(NXB Snapshot) và Con đường trong vườn (NXB Kasura). Sự hứng thú của Herold thích tạo ra những cảm hứng bất ngờ từ các cuộc du ngoại, cắm trại qua các vùng sa mạc hoang dã. Ông sáng tác thơ haiku ngay trong những cuộc hành trình tìm kiếm trên đài tượng niệm tổ quốc và dọc theo tuyến đường tới Sierra Nevada . Sợi dây giày, làm theo thể senryu- like rất thành công. Tính châm biếm, hài hước về sự tích kiệm của nhà thơ trên những chặng hành trình dài với đôi giày mà sợi giây đã căng sờn cũ nát. Nhưng bài thơ lại thể hiện đúng bản chất sabi, theo tinh thần của các nhà thơ Nhật Bản; một chút cô đơn, tĩnh lặng rất hợp thời, mọi thứ đều già cỗi nhưng lại chắp cánh cho lạc quan vút lên: Sợi dây giày – Căng sờn cũ nát – Không sao. Một hình ảnh chân phương “đài hoa huệ” không chỉ vọng về “cái ao xưa” của Basho mà còn là bài thơ haiku nổi tiếng Hoa huệ của Nick Virgilio: Không động tĩnh – Dưới đài hoa huệ – Bọt tăm. Và đây, cuộc đàm thoại thân mật, ấm áp dù một mình hay với tri âm cũng chất đầy ý nghĩa qua gam màu cuộc sống đang diễn ra bên ngoài: Chiếc ấm reo – Vệt mờ khu vườn – Cửa mở.

4. Một nhà thơ thông minh, hài hước, nhạy bén, mang theo cảm thức senryu xuất hiện thường xuyên trong các bài thơ của mình. Không ai khác: Garry gay, sinh ngày 28.3.1951, tại Glendale – California . Năm 1975, ông bắt đầu sáng tác thơ haiku. Từ con đường nhỏ của Basho tới miền thẳm sâu phương Bắc- tác phẩm lớn, xuất sắc - ảnh hưởng nhiều tới sự nghiệp thơ ca của ông. Gay cho xuất bản 5 tập thơ haiku, tập đầu Người chăn bò với bảng quảng cáo ngoài trời(NXB Smythe- Waithe, 1982), và gần đây Dọc theo con đường(NXB Snapshot- Anh, 2000). Một hình ảnh hài hước, đối nghịch, đậm tính senryu được tái hiện trong bài thơ: Lực sĩ – Ì ạch nhấc lên – Tách trà. Cuộc sống gia đình và sự trào đời của bé Alissa là mạch nguồn cảm hứng trong thơ ông: Chụp bàn tay – Con mang lại trong ba – Dế con bình yên. Đôi lúc là sự rung động tận đáy lòng mình về mùa thu bé nhỏ: Khởi thu – Những chiếc lá theo tôi – Vào lều.

5. Tạo ra nhiều con đường tiếp cận khác nhau trong một tác phẩm, bao chứa nhiều dạng thức – chủ đề, với những khoảng trống bỏ lửng đem lại hiệu quả đa chiều thì chỉ có ở Michael Dylan Welch, sinh ngày 20.5.1962, tại Watford – London, hiện sống ở Sammamish thuộc Washinton. Người có công phát kiến rengay, cho ra đời Tạp chí Tundra, lập nhà xuất bản Press Here, giữ nhiều chức trách quan trọng trong các hiệp hội, tổ chức thơ haiku Mỹ. Bài thơ đầu tay viết năm 14 tuổi. Phong cách nghệ thuật của Welch được bộc lộ qua một số tờ báo mà ông làm biên tập. Hồi ức tuổi thơ luôn thường trực trong ông như hiển hiện trước mắt: Giáng sinh ở nhà – Ngăn bàn tuổi thơ – Trống rỗng. Trời tối dần, bãi đậu xe thưa thớt, hàn phong từ biển thổi vào khiến du khách có cảm giác cuối hạ, nỗi cô đơn trào dâng, sabi thấm hiện: Bãi đậu xe bờ biển – Nơi chiếc xe dừng chân – Vùng cát mịn. Say uống hương vị mùa xuân trong cảnh sơn lâm giữa rừng thông tươi mát mà thả hồn nhẹ dâng: Ngọn núi mùa xuân – Khum chụp tay hứng – Những lá thông.

6. “Làm việc và sáng tác đã mang đến cho tôi nhiều tri thức hiểu biết và một tâm hồn phong phú. Tôi sống trong tri ân và che chở của thiên nhiên, đó là những người bạn trên dọc đường tôi đi tới”. Lời tâm sự của Ebba Story, sinh ngày 27.7.1952, tại Agusta, năm 1977 dời đến California. Bà say mê văn chương châu Á từ những năm trước 1970, cất công khám phá những bài thơ trên đỉnh núi Hàn Sơn của nhà thơ Trung Quốc Han Shan. Mãi đến 1991, bà mới sáng tác thơ haiku. Thơ haiku của bà xuất hiện thường xuyên trên các tờ nhật báo và các tuyển tập thơ haiku nổi tiếng. Được ví như những ngọn gió mùa xuân thổi vào những luồng tươi mới, như những con mưa êm dịu mùa thu và không thiếu âm điệu nhạc jazz lịm người: Kèn Cơlarinết – Vành tua mũ gã lười – Rộn ràng. Sự gần gũi, trăn trở luôn hướng về thiên nhiên đem lại ánh sáng bao dung trên hành trình chuyến bay của con thiêu thân vào đêm: Mở cửa – Mở lòng bàn tay – Thiêu thân vào đêm. Và có lúc nhà thơ đợi chờ trên biển: khi những con cá voi ngóc đầu thở là sự chấm hết của những cây anh túc, dẫu biết rằng cả hai khó xảy ra cùng một lúc: Đợi chờ – Những con cá voi thở – Anh túc chết.

7. Còn Wally Swist thường lấy cảm hứng lúc chiều xuống, viết lên những bài thơ haiku thoáng hiện, từ những cảm xúc bớt chợt, chụp lấy những biến cố xảy ra thường tình trong cuộc sống hàng ngày. Sinh vào 26.4.1953, ở New Haven, hiện sống ở Connecticut. Khi Swist hai mươi tuổi, ông chăm luyện tập thuyết thiền định của Phật giáo, đọc các tác phẩm văn chương phương Đông và nghiên cứu, sáng tác thơ haiku. Viết hàng ngàn bài thơ và cho xuất bản hàng trăm bài, những gì thể hiện trên nhật báo Modern haiku đã chứng tỏ năng lực sáng tác dồi dào của ông. Từng cho xuất bản 8 tập thơ haiku, tập đầu Những hòn đá mất dấu(NXB Burnt Lake – Canada, 1988) và tập gần đây Hoa hồng bạch(NXB Timberline, 2000). Say mê những cuộc hành trình “băng đồng qua rừng” ở New England , khám phá mà viết lên thơ. Kén là những công trình kiến trúc bằng màng tơ dệt bảo vệ cho những con sâu. Sâu là loài côn trùng có hại cho cây cối nhưng đứng trước sự run rẩy của nó trong mưa khiến nhà thơ thấu cảm: Run lên trong mưa đổ – Những kén sâu – Trên cây táo rừng. Một số bài thơ của Swist khiến ta hồi tưởng đến John Wills nhưng thơ haiku Swist còn mang tính ma thuật màu nhiệm: Dòng sông mưa trút hạt – Phấn hoa nhuộm xoáy vàng – Cá hương cuốn mình. Gợi vọng về bài thơ cổ điển của Wills: Bão tố – Dưới chân người coi hát – Cá hương cuộn mình. Hình ảnh đa chiều của bài thơ dưới đây: Sức nóng – Kẽ đá trào hơi nước – Sâu thẳm bóng thông, gợi ra nhiều liên tưởng có thể là một ngày hè oi bức hay ngày xuân nắng ấm phả ra hơi nước ẩm ướt từ những kẽ đá như bóng mát thẳm sâu của rừng thông.

8. John Stevenson tìm đến với thơ haiku khá muộn(1992). Sáng tác thơ haiku nhằm mục đích “đóng góp những mặt quan trọng về phạm vi mỹ học”. Say mê những tác phẩm của Samuel Beckett, ông viết lên những bài thơ ngắn gọn bao chứa cả sự tương đồng và trái ngược, gợi nỗi bi quan và tính châm biếm những gì tồn tại trong tuyệt vọng. Sinh ngày 9.10.1948, tại Ithaca , sống gần trọn cuộc đời ở New York . Tốt nghiệp Đại học Buffalo chuyên ngành sân khấu kịch và là diễn viên chuyên nghiệp trong suốt 20 năm. Người ta biết đến thơ haiku của Stevenson, đặc biệt là từ tập Đôi điều câm nín(NXB Red Moon, 1999). Hướng về những mặt trái cuộc đời, thật giả nhân gian, ốm đau và chết chóc là nỗi buồn xuyên suốt trong thơ ông: Giày vải cũ – Niềm an ủi – Tan vụn, hay Đôi mắt người khẽ mở – Dõi tìm buổi đầu tiên – Ngôi nhà nhỏ của tôi. Sức mạnh vô hình dung của công việc, đôi khi mang lại ý nghĩa cuộc đời: Xe lửa lại chạy – Tách cà công văn – Sóng đồng tâm.

9. “Sáng tác là để ghi chép lại những gì đã qua và tìm kiếm hình thức biểu lộ những suy nghĩ của mình, những tình cảm chân phương” là thói quen nghề nghiệp của Tom Clausen. Sinh ngày 1.8.1951 ở Ithaca . Tốt nghiệp Đại học Cornell(1973), thực hiện một chuỗi những cuộc du ngoại bằng xe đạp tới miền Bắc và Trung tâm nước Mỹ, thuật lại những ấn tượng trên trang viết, bồi bổ năng khiếu văn chương. “ Thơ haiku hoàn toàn lôi cuốn tôi với một ý nghĩa chủ đạo góp phần chia sẻ những buồn vui, những dư âm cuộc sống về một thế giới trần tục bộn bề lo toan”. Clausen viết nhiều về gia đình, nghĩa phu thê, tình phụ tử: Sau lời quở trách – Cô bé tiếp tục – Quờ tay tìm bú. Ông nghiên cứu tinh thần Phật giáo và nhìn nhận thơ haiku như một công cụ “tu sửa và dìu dắt tâm hồn, mang tới ánh sáng trên con đường ta đi”. Xuất bản 3 tập thơ haiku nhỏ vào các năm 1994, 1995, 1998. Một tập hợp các bài tanka Việc làm yêu thương(NXB Ting Poems, 1997) mang đậm tinh thần sabi, Việc nhà(NXB Snapshot – Anh, 2000) bản khế ước của thế giới thiên nhiên hoang dã và tinh thần sabi: Hoàng hôn – Phía trước một chiếc xe – Ngã rẽ, Mưa tuyết – Ngơ ngác nai vàng – Biến mất.

10. “Hầu hết trong các tác phẩm của tôi, dù cách này hay cách khác luôn cố gắng ‘trải nghiệm cuộc sống hai lần’ giống như Anais Nin để bày tỏ một cách sâu sắc nhất về nó”. Và phủ nhận những ai coi nhẹ thơ haiku, cho nó không phải là thơ ca. Haiku với ngôn ngữ thích nghi, trí tuệ, diễn đạt ngắn gọn, chính xác, giàu tính đa cảm, đậm tính nhân văn, giáo dục; những chuẩn mực ngôn ngữ của loại thơ này, trong tương lai vẫn tiếp tục được sử dụng. Là những gì Dee Evetts muốn nói với chúng ta. Evetts sinh tại Anh, vào ngày 16.5.1943, sang định cư ở New York năm 1990. Tập thơ Endgrain, sau tập Một nghi thức nhỏ(NXB From Here, 1988), được đánh giá cao về tính độc đáo và cảm thức senryu, giúp khẳng định vị thế của Evetts: “ Một trong những người đi đầu về thơ haiku và cảm thức senryu ở Mỹ”: Ngọn gió tươi mát – Chảo chiên êm dịu kêu – Phả lại lần nữa. Tam hòa điệu: mùa hè – hoàng hôn – người công nhân vận động theo những nhịp búa mau lẹ để hoàn tất công việc: Cuối hạ – Những nhát búa mau lẹ – Trước hoàng hôn. Những dăm gỗ xoăn tít chui ra từ cái bào của người thợ mộc, bay dính lên mái hiên nhà vì ngọn gió của cơn mưa, tạo nên bài thơ toàn bích: Sấm vang – Những dăm gỗ cuộn xoắn – Dọc mái hiên.

11. Thật là thiếu sót nếu không nhắc tới Jim Kacian, một nhà thơ haiku mà tên tuổi đã vang dội nhiều nơi trên thế giới. Là tổng biên tập tờ nhật báo haiku Ao ếch, đồng sáng lập Hiệp hội thơ haiku thế giới, lập nên nhà xuất bản Red Moon, nhà phối kết Cộng đồng thơ haiku Mỹ…Những đóng góp về mặt hoạt động và sáng tác thơ haiku đã khiến người ta biết nhiều về ông. Sinh ngày 26.7.1953, ở Worcester . Kacian là tác giả của nhạc khúc Red Moon (Hồng nguyệt) nổi tiếng. Viết bài thơ haiku đầu tiên vào 9/1968. Xuất bản hơn 8 cuốn sách và 5 tập thơ haiku: Tặng phẩm của ý tưởng(NXB Katsura, 1996), Sáu phương diện: Thơ haiku và những phạm trù ghi nhớ(NXB La Alameda, 1997), Chincoteague( NXB Amelia, 1997), Sự đồng vọng(NXB Saki, 1999) và cuốn thứ 5 Mạch nguồn của đá: Thơ haiku tuyển chọn của Jim Kacian(NXB Slovening, 2001). Thơ ông lưu loát, uyển chuyển, giàu hình tượng. Những bài thơ dựa trên luồng tư tưởng nhận thức hay ý nghĩ trừu tượng(“kế hoạch” của vườn cây ăn trái) và những dự định về thơ ca phương Tây (Một “Dải Ngân hà” của những con chim sẻ) đã vượt xa nhận thức của chúng ta. Tiếng rơi tí tách của mưa xuân làm tăng thêm sức sống nhà thơ lúc mệt lử: Mưa xuân – Giá tôi ngả mình – Dịu êm vô cùng. Những gì diễn ra giúp ta quay về hiện tại, nghĩ tới tương lai hay số mệnh cuộc đời: Những mái chèo – Đu đưa tôi thức – Ven biển. Những cánh buồm hồi tưởng về một thời nhà thơ từng sống ở Maine, gợi lại trong ta bức hội họa của Winslow Homer: Những cánh buồm – Gió làm đổi hướng – Gió từ rừng thông. Hay sự đam mê bóng đá làm láo động cả cái ao mùa hè yên ắng: Tối bình yên – Phóng sự bóng đá – Băng qua nước.

12. Giọt sương đầu – Trên khay danh thiếp bạc – Trái hồng dại. Nhạc điệu – hình ảnh hòa bện vào nhau như chiếc khay. Sự bình lặng của từ “silver”(bạc) kết hợp với bề mặt thanh nhã của tấm “danh thiếp”(card) thông qua hai chữ cái rắn rỏi “c” và “d”, chữ cái “t” trong “tray”(cái khay) cũng được bao bọc bởi “r” và rõ ràng tất cả đều tương xứng, làm nổi bật lên cái khay kim loại và những tấm danh thiếp không thể thiếu được. Màu hồng của những trái hồng dại(êm dịu) tái tạo nên bởi các chữ cái “m,n,s”(tên một loài trái cây), tính từ “wild”(hoang dại) gợi sự du dương, trạng thái cân bằng như điểm hướng về “giọt sương đầu”, mạch thơ thoáng tình xuyến xao. Những trái hồng dại giới thiệu về chính bà: Peggy Willis Lyles, sinh ngày 17.9.1939, tại Summerville. “ Thơ haiku mang đến cho trí tuệ sự thông suốt với sức sống, khả năng sáng tạo không bao giờ cạn. Những bài thơ đã làm tôi thực sự rung động. Bao điều tốt đẹp kích thích tôi đối sánh nhiều cuốn sách, tạp chí thơ haiku và kết quả tôi đã đam mê nó”. Lyles nhận khá nhiều giải thưởng của các tổ chức và tạp chí thơ haiku trao tặng. Bà cho xuất bản một số tuyển tập thơ haiku: Những chiếc lá đỏ trên không(NXB High/Coo, 1979), Con giận nguôi ngoai(NXB Swamp, 1980), Sắc màu lăng kính(1986), 36 âm điệu(NXB Saki, 2001). Trong đó, Thính vũ: Thơ haiku tuyển chọn của Peggy (NXB Brooks Books, 2002) là bậc thầy trong việc “chỉ gợi mà không thuyết”( Christopher Herold): Đêm hè – Chúng tôi tắt hết đèn – Nghe mưa. Mô phỏng theo “12 giờ” của các tạp chí thơ haiku nhưng không phải là sự sao chép. Nó duy trì được sự tươi mới, khỏe khoắn, bình tâm trong bóng tối lắng nghe mưa phấp phới ngoài trời. Những nốt nhạc dạo – Vây chen bên kèn túi – Phố nhỏ rộn ràng. Đó là hình ảnh con phố nhỏ vào một ngày phô bày ra tất cả những cung đàn réo rắt.

Mười hai nhà thơ giữa hàng ngàn những nhà thơ haiku Mỹ hiện đại khó mà rút ra kết luận chung. Nhưng phải thừa nhận: Đây là 12 bông hoa đậm hương và sắc nét nhất, 12 cung đàn càng gảy càng thánh thót, 12 vì tinh tú làm sáng rực vườn thơ haiku nước Mỹ. Không chỉ sáng tác mà thập nhị hoa còn có công thúc đẩy sự tỏa vọng của thể thơ 17 âm tiết nở rộ như “mùa hoa anh đào” trên đất nước Hoa Kỳ. Sự bứt phá vượt ra ngoài ranh giới lãnh thổ, mang tầm ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới, một phần nhờ vào công nghệ đa truyền thông, mặt khác là sự minh trí của những người biết cách tuyên truyền, chia sẻ cái riêng làm của chung, tạo nên sự phồn thịnh bất diệt của thơ haiku Mỹ cũng giống như ở mẫu quốc vậy.



- Tài liệu tham khảo: Bài luận văn “American Haiku’s Future” của Cor van den Heuvel- Wesite: modernhaiku.org/essays/AmericanHaikuFuture- Toàn bộ thơ trong bài viết do tác giả bài viết tự dịch